CHỮA LÀNH HAY TRỐN CHẠY?

Sáng tác: Thanh Yên - Những Ngón Tay Đan
Thiết kế: Hồng Nhật - Ảnh: Phước Thịnh

Cụm từ "chữa lành" trở thành một hiện tượng, một nhu cầu và còn là một sự ám ảnh. Ai cũng mang những tổn thương riêng về tinh thần trong quá trình trưởng thành và khi bước chân vào xã hội. Nhưng ít ai biết được vết thương ở đâu mà chữa trị nên nhiều người cũng đi chữa lành rồi không biết đã lành chưa?  Rồi người ta cứ thấy triệu chứng lặp lại thì ý nghĩ đi chữa lành xuất hiện. Nó như một cứu cánh rồi cũng là biện pháp để người ta trốn tránh hiện thực.

Có một điều mà ai cũng công nhận đó là "thời nào cũng có áp lực, tuổi nào cũng có cái khó riêng." Cứ đổ lỗi cho một thế hệ 9X hay Gen Y, Z phải chăng là một cách nhìn một cách phiến diện và tìm một lý do để mà quy chụp. Những năm 2000, mạng thông tin còn chưa phát triển thì việc con người ta đối diện với áp lực chỉ quanh quẩn với việc tìm ai đó trò chuyện, uống và ly rượu hay đọc quyển sách hoặc đi du lịch đâu đó. Mọi thứ diễn ra âm thầm, áp lực có đó nhưng họ hiểu rằng chẳng thể nào trốn tránh nên nghỉ ngơi rồi học cách đối diện. Cuộc đời mỗi người là một ẩn số chỉ khi được cho phép thì mới được chủ nhân chia sẻ ra bên ngoài. Thế nên, chúng ta chỉ thấy được vẻ đẹp của thành công mà ít khi nhìn thấy họ đã trải qua những gì và vượt qua thế nào mỗi lần thất bại.

Ảnh: Sưu tầm
   📸: overwater

Khi mạng thông tin phát triển, con người cũng tăng dần nhu cầu chia sẻ và tin tức nào cũng có vui, buồn, giận hờn. Cập nhật liên tục từng bữa ăn hay đi chơi lên trang cá nhân. Nhiều lúc mạng xã hội như một hố rác của cảm xúc mà chẳng có ai bận lòng phân loại và dọn dẹp. Chúng ta những người dùng mạng xã hội mỗi ngày cũng đang phải đối diện với vấn đề này dẫn đến căng thẳng không chỉ diễn ra tại trường học, công sở. 

Áp lực đồng trang lứa hiện diện từng giây từng phút khi chúng ta bắt đầu kết nối với mạng thông tin. Chúng ta bắt đầu so sánh cuộc đời mình với người khác rồi tự tạo ra những đố kỵ, hơn thua và tự ti hay cả sự ảo tưởng hóa mọi thứ về cuộc sống. Dù là đứa trẻ học tiểu học hay người già tuổi đã xế chiều cũng bị áp lực cuộc sống bủa vây.

Mình còn nhớ khi đại dịch diễn ra chuỗi video "Nâng dậy tâm hồn" của thầy Minh Niệm là giai đoạn cụm từ chữa lành được nhắc nhiều nhất. Khi mà con người bị mắc kẹt trong những hoang mang, lo lắng quá nhiều, vô định về tương lai phía trước thì một chỗ dựa tinh thần hay khoảng không gian được đối diện với chính mình, gạc bỏ tạm thời các trách nhiệm là nhu cầu thiết yếu. Chính chuỗi video đã nâng dậy biết bao tâm hồn những người tuyệt vọng, không lối thoát trong giai đoạn khó khăn đó. Để rồi khi khủng hoảng qua đi mọi người quay về với cuộc sống với cái nhìn trân trọng và biết ơn những gì mình đang có.

Ảnh: Sưu tầm
   📸: overwater

Chữa lành là quá trình nhận thức những tổn thương, đối diện, chấp nhận và học được bài học cho chính mình để rồi khi chúng xuất hiện một lần nữa chúng ta không dễ dàng bị tác động. Nếu chúng ta thiếu việc can đảm đối diện, chấp nhận những vấn đề đã và đang hiện diện thì thực ra chúng ta chỉ đang trốn tránh mà thôi. Vì vậy, chúng ta cứ lặp đi lặp lại hành động được cho là chữa lành rồi tự hoài nghi với chính mình. Liệu việc làm này có đúng hay không? Chính vì chúng ta cứ FOMO theo một giải pháp, trào lưu, hiện tượng hoặc thậm chí là tin đồn nào đó mà không tìm hiểu kĩ để rồi "tiền mất, tật mang." Thay vào đó, chúng ta hãy tìm hiểu xem điều mà chúng ta biết đó có phải là sự thật hay không? Có phù hợp với mình không? Hiệu quả như thế nào? 

Đừng quy chụp cho Gen Z hay giới trẻ vì những gì chúng đang làm. Xã hội đang thay đổi từng ngày, chúng cũng đang phải học cách để học cách tồn tại và thích nghi với cuộc sống. Hãy nhìn mọi thứ một cách bao dung hơn. Chia sẻ với các bạn trẻ thay vì cứ so sánh thế hệ này, thế hệ trước để rồi tự tạo khoảng cách ngày càng xa với chúng ta.
   Thanh Yên
👉Link bài viết trên Group Tay Đan: CHỮA LÀNH HAY TRỐN CHẠY

Add new comment

Plain text

  • No HTML tags allowed.
  • Lines and paragraphs break automatically.
  • Web page addresses and email addresses turn into links automatically.
CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.