MS 172 - NGỒI NGHE TÔI KỂ

Tác giả: Văn Minh - Viết Để Chữa Lành
📸: Văn Minh

 

#NNTD_Soundio_chualanh

Chủ đề: Lặng yên lắng nghe

Thể loại: tản văn

Bài dự thi: Ngồi nghe tôi kể

Tác giả: Văn Minh

Ý tưởng và ý nghĩa: Sự chênh vênh, những rối răm, sự vô định, việc chối bỏ, vùng an toàn, việc bứt phá, người kể chuyện, kẻ lắng nghe. Nghe nào là đúng? Bản thân mình, con đường mình chọn, cách mình làm liệu đó là sai?

Và sự chấp nhận sau cùng của bản thân dành cho chính họ được kết nối bởi sự yêu thương, “ngồi yên lắng nghe” của chính bản thân mình

Phần 1:

 Lặng yên lắng nghe – điều nghe chừng rất đơn giản trong kỹ năng lắng nghe của mỗi người, nhưng liệu chúng ta đã hiểu và thực hiện nó đúng trong vai trò lắng nghe của mỗi người chưa? Sẽ có những lúc tưởng chừng lắng nghe là điều dễ dàng nhất, nhưng việc lắng nghe sao cho đúng lại là điều mà cần học, cần hiểu và cần thực hành luyện tập. Ngồi đó, uống miếng nước, hít thở và kể những điều bạn muốn nói đi. Tôi ở đây, lặng yên, lắng nghe, không phán xét, tôn trọng, và vì bạn.

Phần 2:

Này, nói nghe nè, bạn đang không ổn đúng không? Mình biết điều đó, mình cũng vậy, ai cũng vậy. Sẽ luôn có những vấn đề trong cuộc sống xảy ra bất ngờ và “bùm”; bất ngờ chưa, bạn sẽ luôn cảm thấy mình không ổn trong vài phút giây nào đó trong ngày, hoặc tệ hơn, nó đã theo bạn rất rất lâu.

Mình ngồi đây, viết những dòng chữ này, sau khi tự hỏi, nên an ủi bản thân như nào sau những cú ngã đầu đời của một chàng trai, 24 tuổi, chập chững lập nghiệp một nơi xa, bỏ sự ổn định, bước một chân ra bên ngoài vùng an toàn của chính bản thân, và, mình lắm lúc đã chửi thề rất nhiều rằng tại sao có những chuyện nó tệ như vậy lại xảy đến với mình, tại sao lại là mình,....

Đôi khi mình tự nghĩ, sẽ như nào, nếu mình chọn theo sự ổn định sẵn có, hay, có khi nào mình lựa chọn của mình hiện tại là đang sai lầm và hao phí thời gian không? Những câu hỏi vẫn luôn thường trực trong suy nghĩ của mình hằng đêm, khi mà mọi người đã ngủ, mình vô định cầm chiếc điện thoại, lướt vô định và suy nghĩ về những giả tưởng.

Chỉ mới hơn một năm trước, bản thân mình còn nghĩ sẽ ở nhà gần với bố mẹ, kiếm một công việc ổn định, yêu một cô hàng xóm nào đó (nếu có duyên), làm lụng và sống như bao đời nay gia đình mình đã vậy. Và rồi đại dịch ập đến, cả nước bị phong tỏa, bản thân cũng bị bó hẹp trong 4 bức tường nơi dịch bùng phát. Bí bách, chật chội, những cơn khó thở khi mà hàng tháng trời công việc hàng ngày là học online cùng với nằm ườn trải dài ngày tháng dần qua.

Cái độ tuổi đôi mươi, chúng ta rơi vô cái vòng luẩn quẩn, chưa biết bản thân có thể làm được gì, chưa nghĩ rằng sức mạnh của mình có thể dẫn mình đi đến đâu. Sự lưng chừng khiến con người cảm thấy chênh vênh trong chính những câu chuyện của bản thân. Xã hội, gia đình, bạn bè và cũng chính bản thân ta tự tạo ra những áp lực vô hình mà chả thể gọi tên nó rõ ràng. Những vấn đề muôn thuở: sự nghiệp, tài chính, gia đình hay là chuyện tình cảm.

 Và một ngày không rõ là có đẹp trời hay không mình nhận ra rằng mình cần nói ra vấn đề của mình đang gặp phải với những người quan tâm mình hay ít nhất với bản thân là những dòng chữ mình đang gõ cạch cạch trên máy tính như vậy.

Chưa khi nào mình muốn thoát ra khỏi sự kìm kẹp đó. Mình muốn bước chân ra ngoài kia, ngắm nhìn cuộc sống, lắng nghe những câu chuyện, gặp gỡ những con người, ghé thăm những vùng đất mới mà mình chưa bao giờ được biết.

Sự trải lòng của bản thân được nhận diện ngay khi mình quyết định ngồi xuống và lắng nghe sự rối bời trong tâm trí của mình khi đó. Sự sợ hãi được chấp nhận, sự tự ti được nhìn rõ, sự chênh vênh được gọi tên, cũng như đó là sự chấp nhận những điều tiêu cực nhất của bản thân như một phần tất yếu được mình chậm rãi, bóc tách, coi như nó là một phần điều hiển nhiên mà trong đời ai cũng sẽ phải có.

Hơn khi nào hết, bản thân mình biết rõ, con người mình, cảm xúc mình, tinh thần của mình cần được tôn trọng, đón nhận và cởi mở cho chính bản thân. Sự lắng nghe được mình đưa lên hàng đầu, khi mà mình còn chê bai, chối từ bản thân thì liệu có ai sẽ là người tôn trọng mình.

Ngồi xuống đó, pha một bình cà phê, đốt một tý nến thơm, tự đón nhận những điều mình chưa hài lòng về bản thân, lắng nghe nó, chấp nhận nó như một điều bình dị, yêu nó, thương lấy nó, vỗ về nó, an ủi nó, từ từ, ôm ấp, vỗ về và cảm ơn sự hiện diện của nó trong cuộc đời mình.

Lắng nghe, một hình thức chữa lành, khi và chỉ khi, người nói được người lắng nghe, nhìn nhận, tôn trọng. Và bạn biết không, lắng nghe bản thân là điều khó nhất khi mà bản thân bạn chấp nhận những điểm chưa tốt, những điều còn hạn chế của mình thì sự lắng nghe trở thành món quà vô giá cho chính bản và cả những người bạn yêu thương

Sẽ có khi bạn hoài nghi về những câu chữ mà mình viết ở đây, nhưng, ít nhất, mình hi vọng bạn sẽ là người ôm lấy chính bản thân bạn, lắng nghe, thấu hiểu, và nhớ là ngồi xuống, hít một hơi thật sâu, uống một miếng nước, và hãy tự kể cho bản thân nghe những điều bạn muốn nói.

Đôi khi, lắng nghe trọn vẹn chỉ đơn giản là ngồi xuống, hít một hơi, ôm lấy họ, để hiểu, để cảm thông và tôn trọng chính những lời nói, câu chuyện, của họ. Nó là món quà vô giá mà chúng ta có thể trao đi cho bất kỳ ai đó.

Với một chiếc tai nghe, mở một bài nhạc cho một chiều thu mát

Hi vọng bạn có thể thấy chút nhẹ lòng cho chính bản thân bạn. Và mong cầu sự lan tỏa tình yêu thương từ chính bạn mà ra. Và chúng ta sẽ bước tiếp, thay đổi và hoàn thiện nhưng vẫn đó là chuyện của những ngày tháng tiếp theo và bạn biết đó:” Bạn không ổn nhưng rồi bạn sẽ ổn thôi.”

Văn Minh
   📷: Văn Minh

 

Add new comment

Plain text

  • No HTML tags allowed.
  • Lines and paragraphs break automatically.
  • Web page addresses and email addresses turn into links automatically.
CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.