MẸ ƠI, MẸ NUÔI CON NHÉ

Sáng tác: Đông - Những Ngón Tay Đan
Thiết kế: Hồng Nhật - Ảnh: Sưu tầm

#Truyennganhaytaydan2023

Huyền Trang là học sinh cấp hai, trước giờ thành tích luôn nằm trong tốp đầu của lớp. Năm nay cô vào lớp chín, sau khi học được vài tháng thì thành tích của cô bắt đầu tuột dốc. Người ngoài đều cho rằng cô đã đến tuổi ham vui, chẳng chú tâm học hành. 

Mẹ của Trang qua đời khi cô vừa tròn mười một tuổi vì tai nạn giao thông. Cô đã tận mắt chứng kiến máu mẹ chảy thành dòng và ra đi trong tuyệt vọng. Suốt mấy tuần sau đó, cô thường xuyên tìm cha khóc vì nhớ mẹ. Nỗi ám ảnh của tiếng còi xe cấp cứu vẫn đeo bám cô đến tận bây giờ. 

Cách đây bốn tháng, cha cô đưa về nhà một người phụ nữ lạ tên Ngọc. Nói là xa lạ cũng không đúng, vì trước đây có vài lần hai người cùng nhau đến đón cô tan học. Bắt đầu từ lúc đó, sự hoài nghi trong lòng cô dâng trào.

Trang thường tìm mọi cách nói dối cha để có thể về nhà muộn. Cô không còn thích ở trong ngôi nhà đó nữa. Về đến nhà, cô sẽ vội vàng chạy vào phòng rồi đóng cửa lại. Chỉ đến bữa tối mới thấy cô ra ngoài sau vài tiếng gọi của cha. Trong suy nghĩ vẫn chưa hoàn thiện của Trang thì người phụ nữ mà cô sắp phải gọi bằng mẹ kia thật sự rất đáng ghét. Cô tin rằng vì Ngọc mà cha sẽ không thương mình nữa. 

Một hôm cha cô phải đi công tác mất bốn ngày. Sau khi hứa với cha sẽ ngoan ngoãn, Trang liền viện cớ bị bệnh để nghỉ học ở trường. Dù biết rõ nhưng Ngọc cũng muốn cho cô bé được nghỉ ngơi một chút. Nhân dịp này sẽ tiếp xúc và trò chuyện để hiểu nhau hơn.

Đã mười một giờ trưa nhưng Trang vẫn chưa ra khỏi phòng. Ngọc bồn chồn đi lên lầu, gõ cửa phòng gọi cô:

- Trang ơi, dậy ăn chút gì đi con. Dì có nấu cháo nấm con thích này.  

Cô vờ như không nghe thấy, đưa tay kéo chăn qua khỏi đầu. Ngọc biết cô muốn trốn bèn nghiêm giọng dọa: 

- Con mà không ra ăn là dì gọi cho cha Khang bảo con trốn học đó.

Vừa nghe dứt câu thì cô gái bướng bỉnh cũng bật dậy, gương mặt vẫn lộ rõ vẻ khó chịu. Cô mở cửa một cánh mạnh bạo rồi đi thẳng xuống nhà. 

 Ảnh: Sưu tầm
   📸: Sưu tầm

Trang có năng khiếu hội hoạ, hồi bé cô hay vẽ lắm. Những bức tranh có đầy đủ cha và mẹ vẫn còn đầy ắp trong học tủ ở phòng ngủ. Từ sau khi mẹ mất, cô không còn thiết tha với bút vẽ và hộp màu nữa. Những lần vẽ ít ỏi của cô đều khoá trái cửa phòng, chẳng ai được ngắm nhìn, kể cả cha cô.

Ngọc cũng vào bếp, kéo ghế ngồi đối diện Trang, vừa tỉ mỉ gọt dĩa trái cây vừa mở lời:

- Hôm nay con có muốn ra ngoài chơi không? Dì đưa con đi, sẵn tiện mua cho con vài món ngon có được không? 

Trang lại tiếp tục giả lơ. Cô cứ cúi đầu ăn vội tô cháo nóng. Suốt mấy tháng qua hai người vẫn chưa có dịp nói chuyện riêng như thế này. Ngọc cố gắng bắt chuyện:

- Con gái à, con có thích…

Nhưng chưa nói được nửa câu đã phải dừng lại vì phản ứng của Trang. Cô buông tay đánh rơi chiếc muỗng xuống tô cháo. Cô ngước mặt lên đối diện với người phụ nữ ấy, giọng đầy giận dữ:

- Ai là con gái của bà! Đừng mơ tưởng đến việc thay thế vị trí mẹ tôi trong ngôi nhà này. Bà thua xa lắm. 

Nói xong cô bỏ đi một nước lên phòng khóa trái cửa. Để lại tô cháo dần nguội lạnh với gương mặt người đàn bà thất thần khổ sổ. Ngọc vừa bất ngờ, vừa chua xót. Đã lâu như vậy rồi mà con bé vẫn chưa chấp nhận cô, hay chí ít là nhẹ nhàng hơn với cô. Những lời nói ấy như vết dao đi xuyên qua trái tim của một người phụ nữ nguyện ý chăm lo, yêu thương cho con riêng của chồng mà chẳng đòi hỏi điều gì ngoài tình yêu.

Cả ngày hôm ấy Trang không ra khỏi phòng nữa. Đến tối cũng chỉ ra ngoài vài phút để lấy đồ ăn. Ngọc biết con bé còn giận, nên chẳng bắt ép thêm. Lúc nhận được điện thoại của chồng, Ngọc vẫn tỏ ra vui vẻ. Còn khoe cả một bàn thức ăn mà cô chuẩn bị cho con bé. 

Sáng hôm sau, Trang tiếp tục không chịu đến lớp. Lần này cha cô đi ba ngày, cô được một phen tự do quấy phá. Ngọc đứng rất lâu trước cửa để thuyết phục con bé ra khỏi phòng. Nhưng chỉ nhận lấy sự cự tuyệt. Cô nghĩ đến sở thích của Trang rồi nhẹ nhàng bảo:

- Con ra thay đồ đi, dì đưa con đi mua đồ vẽ mới, bao nhiêu cũng được. Nếu không dì sẽ gọi cho cha…

Chưa nói hết câu đã thấy Trang hậm hực bước ra ngoài. Tuy là không tự nguyện nhưng ít ra cô đã chịu đi cùng Ngọc. Họ đi đến một cửa hàng đồ hội hoạ không quá lớn do Trang đề xuất. Thanh niên đứng ở quầy nhìn thấy cô bước vào, vui mừng chào đón:

- Trang hả em, sao hôm nay đến sớm thế? Cửa hàng vừa nhập về hai loại màu mới, ở hàng thứ hai bên phải ấy. 

Trang mỉm cười gật đầu, lấy từ trong túi ra một chiếc bookmark tự vẽ đưa cho anh ta. Chàng trai cảm ơn rồi nhận lấy. Đấy là lần đầu tiên Ngọc nhìn thấy con bé cười tự nhiên như vậy. Trang bỏ lại dì để đi vào khu vực màu vẽ, vừa đi vừa nhìn ngắm xung quanh. 

Khi Trang đã đi khuất sau những dãy kệ lớn, Ngọc tiến lại gần anh chủ hỏi dò:

- Ngày nào con bé cũng đến đây hả cậu?

Chàng thanh niên ban nãy còn niềm nở nghe cô hỏi xong liền đơ mất vài giây. Sau đó lịch sự thu lại nét mặt ngạc nhiên, chậm rãi giải thích:

- Dạ, trước đây em ấy thường đến vào cuối tuần. Riêng mấy tháng gần đây cứ hai ngày là đến một lần.

 Ảnh: Sưu tầm
   📸: Sưu tầm

Hoá ra Trang chưa chưa bao giờ ngừng yêu vẽ. Chỉ là con bé muốn thể hiện sự chống đối với dì và cha mà thôi. Nơi làm cho tâm hồn cô yên tĩnh trở lại chính là ở đây. Anh chỉ tay lên chiếc bảng trang trí phía sau, nở một nụ cười hiền rồi kể:

- Toàn bộ những kiệt tác này đều là của em ấy. Trang nhờ em gửi tặng cho các bạn nhỏ đến đây. Nhưng chắc đây là những đợt tăng quà cuối cùng rồi. Mà chị này… 

Anh phân vân không biết nên nói như thế nào. Nhưng vì lỡ miệng khơi gợi sự tò mò của người đối diện, anh trông về phía các dãy kệ màu, chép miệng:

- Chị là người mà em ấy nhắc đến trong tranh có phải không? Cách đây vài tuần, em ấy có vẽ về một bức. Thật ra hình ảnh của chị trong tranh không quá đáng ghét. Chỉ là em ấy vẫn chưa thể ngừng nghĩ về mẹ mình. Em nghĩ trong một khoảnh khắc nào đấy, Trang đang cố gắng đón nhận chị. Nếu được mong chị hãy kiên nhẫn một chút.

Nói xong, anh lấy từ trong ngăn kéo ra một bức tranh. Dù hơi lem màu nhưng vẫn đủ để nhìn ra tất cả chi tiết. Trong đó, Trang đang đứng cạnh bàn thờ của mẹ, còn Ngọc thì dắt tay Khang bước ra khỏi nhà. 

Trang không ghét cay ghét đắng người dì này. Con bé là đang sợ, sợ một ngày cha sẽ quên đi mẹ và cô. Ngọc nhìn thật lâu, trầm ngâm suy nghĩ về những điều đã qua. Sự tổn thương trong lòng cả hai đều có lý lẽ riêng. Chỉ là chưa ai thật sự thấu hiểu được hết.

Chẳng nói được mấy câu thì Trang đã quay ra, trên tay cầm theo hai hộp màu và một bộ cọ. Chủ cửa hàng nhanh tay cất vội bức tranh. Sau khi tính tiền xong, anh nửa đùa nửa thật nói với cô: 

- Nếu được thì đến nhiều hơn nhé. Đôi vai này sắp không gồng gánh được rồi đấy.

Cửa hàng này do một tay anh gây dựng. Trước kia công việc làm ăn cũng khá tốt, nhưng một năm trở lại đây lợi nhuận ngày một kém đi. Dần dần, sự lạc quan là tất cả những gì còn lại. Anh dự định sẽ đóng cửa vào cuối tháng này.

Ngọc đưa cô về nhà rồi đi ra ngoài cả ngày. Tối đó khi đang ăn cơm, Ngọc cẩn thận mở lời giúp đỡ với cô:

- Trang này, dì sẽ đầu tư vào cửa hàng để cậu trai kia tiếp tục kinh doanh. Con thấy có được không?

Trang tỏ ra bất ngờ trước lời đề nghị này, nhỏ giọng hỏi lại:

- Sao? Cô muốn đổi lại gì từ tôi?

Ngọc lắc đầu, khẳng định lời hứa của mình:

- Không cần gì hết. Dì thấy tranh ở đó đẹp, người chủ cũng tốt. Vậy nên muốn giúp một tay.

Bữa cơm đó nhờ vậy mà kết thúc trong êm đẹp. Dù vậy thì ngoại trừ thông báo ấy, Trang chẳng có ý định đối hoài đến dì, chỉ ăn nhanh rồi về phòng. Ngọc đứng dậy định dọn dẹp, nhưng vừa cầm bát lên thì cô chợt cảm thấy chóng mặt rồi ngất xỉu. Những mảnh thủy tinh rơi trên nền nhà, bể nát. Trang nghe thấy thì từ tốn bước xuống, còn định hằn học vì dì ấy dám làm vỡ đồ của mẹ. Tuy nhiên khi thấy Ngọc ngã sõng soài trước mắt, cô tạm quên đi sự tức giận, vội chạy đến xem xét tình hình rồi gọi điện cho cha và xe cấp cứu. 

Trong suốt mấy giờ nằm đó, Trang luôn túc trực bên cạnh dì. Lo lắng hỏi thăm bác sĩ, chốc lát lại đặt tay lên trán Ngọc để kiểm tra. Khi Ngọc tỉnh dậy vẫn ở bên cạnh đút từng muỗng cháo. Ngọc tuy rất đau, nhưng lòng vui đến lạ.

Thiết kế: Anh Thư - Ảnh: Sưu tầm
    Thiết kế: Anh Thư - 📸: Sưu tầm

Cha cô nghe tin liền bàn giao hết công việc lại, lái xe về nhà vào trưa hôm sau. Vừa bước vào phòng, Khang không nói lý lẽ đã tuôn ra một tràng trách móc con gái:

Mày muốn hại chết cô ấy mới được đúng không? Dì chăm lo cho mày từng miếng cơm giấc ngủ mà cứ suốt ngày mặt nặng mày nhẹ. Mày muốn thế nào đây?

Trang cúi mặt, không đáp lại lời chất vấn ấy dù cô chẳng trực tiếp làm gì để Ngọc phải nằm viện hay có ý hại chết dì ấy. Trang bỏ ra khỏi phòng, mặc kệ Ngọc đang cố gắng bao biện thay.

Cô chạy đến cửa hàng hội hoạ. Khi bước vào cửa thì bắt gặp anh chủ đang cười rất tươi, anh hào hứng nói:

- Trang à em. Này, anh đã được đầu tư một khoảng lớn đó, giá trị tận một căn nhà cơ. Nơi này sẽ tiếp tục là thế giới đầy sắc màu của em.

Cô lặng người đi khi biết để có được số tiền đó, Ngọc đã bán đi căn nhà do chính cha cô tặng. Ngọc đã giữ gìn món quà ấy rất lâu, dù là giá nào cũng chưa từng muốn bán. 

Buổi tối Trang âm thầm trở về nhà. Thấy con gái buồn bã, Khanh biết mình đã nặng lời nên định đi dỗ dành con bé. Nhưng Trang lại xem cha như vô hình, chầm chậm bước đến trước cửa phòng của Ngọc. Thấy cô trở về, Ngọc không quên quan tâm cô:

- Trang à, cha con hiểu lầm thôi. Dì xin lỗi, để con bị mắng oan rồi. Con đã ăn gì chưa, dì nấu cháo cho con nhé!

Nhìn Ngọc gắng sức chồm dậy, Trang đi tới để ngăn lại. Ánh mắt cô hiện rõ hai từ thương cảm. Đó cũng là ánh mắt lần đầu Ngọc được nhìn thấy từ con bé. Trang ấp úng, sắp xếp lại từ ngữ rồi nói:

- Con nấu cháo cho mẹ, mẹ nuôi con nhé!

Ngọc không tin được vào tai mình. Cả hai bật khóc rồi ôm chầm lấy nhau. Cha cô cũng không kiềm được xúc động mà choàng tay ôm lấy hai người.

Sau này chẳng cần lo ai thay thế ai nữa. Mà từ nay Trang có đến hai người mẹ. Một trên trời, một trên đời.
   Đông
👉Link bài viết trong Group Tay Đan: MẸ ƠI, MẸ NUÔI CON NHÉ!

Add new comment

Plain text

  • No HTML tags allowed.
  • Lines and paragraphs break automatically.
  • Web page addresses and email addresses turn into links automatically.
CAPTCHA
This question is for testing whether or not you are a human visitor and to prevent automated spam submissions.